Khám phá những thay đổi sẽ diễn ra khi bạn bước sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2.
Khi bước sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ, bạn có thể bắt đầu thấy những thay đổi hoặc triệu chứng khác nhau. Cùng xem những gì sẽ xảy ra và làm thế nào để đối phó nhé.

Ợ nóng
Ợ nóng có thể xuất hiện trong suốt giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai vì hormone thai kỳ làm cho cơ tách thực quản ra khỏi dạ dày của bạn để thư giãn, điều này có thể gây ra tình trạng dịch tiêu hóa trào ngược và kích thích niêm mạc thực quản.
Mẹo: Ăn nhiều bữa nhỏ và nhẹ. Không nên ăn thực phẩm dầu mỡ hay tẩm ướp đậm, cà phê hay đồ uống có ga. Sau khi ăn xong, không nên nằm xuống ngay mà hãy đợi thức ăn tiêu hóa xong. Ngoài ra, hãy thử nằm ngủ kê cao đầu. Uống nước giữa các bữa ăn, thay vì trong bữa. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc kháng acid.
Bị trĩ
Hormone thai kỳ không chỉ làm chậm tiêu hóa và gây ra táo bón, mà chúng còn có thể gây ra bệnh trĩ, đau đớn, sưng tĩnh mạch xung quanh trực tràng, thường dẫn đến ngứa và chảy máu.
Mẹo: Hãy di chuyển và cố gắng không đứng hoặc ngồi trong thời gian dài. Ăn nhiều chất xơ, nước uống và tập thể dục để duy trì một hệ tiêu hóa hiệu quả.
Thay đổi da
Cơ thể bạn hiện đang tiết ra nhiều dầu hơn bình thường, điều này khiến bạn cảm thấy nóng trong người hoặc nổi mụn. Ngoài ra, trên mặt, cổ, cánh tay và ngực bạn cũng có thể sẽ xuất hiện những đường màu đỏ hình tơ nhện. Đó là do lưu lượng máu trong cơ thể bạn nhiều hơn bình thường và đó cũng là nguyên nhân làm cho các mạch máu nhỏ sưng lên.
Mẹo: Làm sạch mặt thường xuyên và điều trị mụn như bạn vẫn làm.
Khí hư âm đạo
Bạn sẽ thấy khí hư nhạt và trắng bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn này và tăng dần lên trong suốt thai kỳ. Đồng thời, cảm giác ngứa cũng sẽ xuất hiện.
Mẹo: Mặc đồ lót cotton và vệ sinh hàng ngày bằng nước sạch.
Giãn tĩnh mạch
Hiện tượng giãn tĩnh mạch chủ yếu là do di truyền, tuy nhiên, giãn tĩnh mạch trong giai đoạn này sẽ trầm trọng hơn bởi các yếu tố thai kỳ như tăng cân, tuần hoàn máu giảm, và khu vực xương chậu bị đè bởi trọng lượng của bé.
Mẹo: Nâng chân lên càng nhiều càng tốt. Khi bạn ngồi, hãy bắt chéo mắt cá chân thay vì bắt chéo chân như thường lệ. Tập thể dục dưới sự cho phép của bác sĩ. Ngoài ra, mặc quần tất cũng có thể giúp bạn giảm bớt tình trạng giãn tĩnh mạch này.
Đi tiểu thường xuyên
Trong giai đoạn này, kích thước tử cung sẽ tăng lên và gây áp lực lên bàng quang, dẫn đến nhu cầu đi tiểu tăng cao và thường xuyên hơn.
Mẹo: Hạn chế ăn/uống chất lỏng vào buổi tối, đặc biệt là trong vài giờ trước khi ngủ.
Táo bón
Hormone thai kỳ có thể làm đường ruột của bạn hoạt động chậm hơn và gây ra táo bón.
Mẹo: Uống nhiều nước và ăn một lượng phong phú các loại thực phẩm nhiều chất xơ. Tập thể dục cũng có thể giúp điều hòa hệ tiêu hóa, nhưng hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào. Không sử dụng thuốc nhuận tràng, trừ khi bác sĩ đề nghị.
Đau vú
Hormone thai kỳ có thể làm cho hai bầu vú trở nên vô cùng nhạy cảm.
Mẹo: Mặc một chiếc áo ngực hỗ trợ, giống như áo ngực thể thao, thậm chí vào ban đêm nếu cần thiết.
Gợi ý tăng cường sức khỏe khi mang thai
Nhớ hít thở thật đều. Cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi trong thời kỳ mang thai, dù chỉ là một vài phút trong ngày. Hít sâu, thở chậm. Ngồi trong một căn phòng yên tĩnh. Nghe nhạc nhẹ. Tập trung vào các khu vực căng thẳng. Hãy để bản thân thư giãn.
Nguồn: Enfa A+