Những ngày cuối thai kỳ là giai đoạn mà bất kỳ mẹ bầu nào cũng mong chờ sự xuất hiện của bé. Tuy vậy, có rất nhiều điều cần phải làm trong khoảng thời gian tam cá nguyệt thứ 3 này, mẹ hãy cùng điểm qua để đảm bảo mình không bỏ sót điều gì nhé!
1. Quan sát cử động của thai nhi
Bé của mẹ đang lớn dần, vì vậy các kiểu cử động sẽ phụ thuộc vào độ lớn của thai. Khi bé lớn và khỏe hơn, mẹ có thể nhận biết được những cử động của bé thường xuyên xảy ra trong bụng mẹ. Mỗi bé có kiểu thức ngủ khác nhau và mẹ là người biết rõ nhất. Nếu có cảm nhận về sự thay đổi, mẹ hãy báo ngay với bác sĩ sản khoa.

2. Khám thai
Trong giai đoạn mang thai này, bác sĩ sẽ cung cấp cho mẹ thông tin chuẩn bị cho việc sinh đẻ bao gồm cách nhận biết chuyển dạ và đối phó với cơn đau chuyển dạ. Bụng của mẹ bầu sẽ được đo tại mỗi cuộc hẹn để theo dõi sự phát triển của bé. Nếu đến 41 tuần mà bé vẫn chưa ra đời thì mẹ nên gặp bác sĩ để được tư vấn cách kích thích chuyển dạ.
3. Nhận biết tiền sản giật
Tiền sản giật là tình trạng xảy ra khi nhau thai không làm việc đúng cách. Nó có thể xảy ra từ tuần 20 của thai kỳ nhưng vẫn có khả năng xảy ra trong tam cá nguyệt thứ 3.
Bác sĩ sẽ phát hiện dấu hiệu của tiền sản giật qua mỗi lần mẹ bầu tái khám (trong đó có huyết áp cao hoặc xuất hiện đạm trong nước tiểu). Tuy nhiên, nếu mẹ cảm thấy nhức đầu, mắt mờ, sưng tay chân thì hãy gọi bác sĩ ngay lập tức để được xử lý kịp thời.
4. Ăn uống đầy đủ
Ăn uống đầy đủ rất quan trọng trong giai đoạn này. Mẹ hãy cố gắng ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt giúp tạo hồng cầu. Các thực phẩm nhiều sắt có thể kể đến là thịt nạc, rau lá xanh, ngũ cốc. Dùng kèm một ly nước cam trong mỗi bữa ăn sẽ hỗ trợ cơ thể mẹ hấp thụ sắt tốt hơn.
5. Mát-xa bụng bầu và trò truyện cùng bé
Mát-xa bụng bầu thật nhẹ nhàng cũng là một cách giao tiếp với thai nhi. Giai đoạn này, bé đã nghe được giọng của mẹ, vì vậy mẹ hãy thường xuyên trò chuyện để tạo liên kết giữa mẹ và bé.
6. Nhận biết các cơn gò sinh lý
Hãy cảm nhận các cơn gò sinh lý và mức độ thường xuyên của các cơn gò này. Nó có thể giúp mẹ phân biệt với dấu hiệu chuyển dạ.
7. Mua quần áo cho bé
Mẹ có thể chuẩn bị những đồ dùng cần thiết cho bé như tả, khăn, áo đồ sơ sinh… Mẹ cần giặt tất cả những đồ này với nước giặt dành riêng cho bé để tránh kích ứng cho làn da còn nhạy cảm.
8. Chuẩn bị đồ dùng mang theo khi sanh
Chuẩn bị và kiểm tra những đồ dùng cần thiết cần mang theo khi đến bệnh viện cho cả mẹ, bé và người chăm sóc.
9. Ngủ nhiều hơn
Nếu khó ngủ vào ban đêm, mẹ hãy dùng gối để hỗ trợ phần bụng và đặt giữa chân để ngủ ngon giấc hơn.
10. Tránh đau lưng
Cố gắng không nâng nhấc vật nặng vì nó sẽ ảnh hưởng đến dây chằng mềm của mẹ. Mẹ có thể mang đai để hỗ trợ phần bụng.
11. Tìm hiểu cách chăm sóc trẻ sơ sinh
Mẹ sẽ không có nhiều thời gian để tìm hiểu việc chăm sóc bé sau sinh, vì vậy mẹ hãy tận dụng khoảng thời gian này để tham khảo các cẩm nang cho mẹ bầu, tham khảo ý kiến của người thân, chuyên gia hay tham gia vào câu lạc bộ mẹ và bé để cùng trao đổi kinh nghiệm.
12. Chuẩn bị cho con bú
Hiểu được lợi ích của việc cho con bú, có thể mẹ sẽ càng cố gắng hơn. Mẹ có thể tham gia lớp học cho con bú để hiểu rõ hơn.
Nguồn: Enfa A+