Làn da của mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn khi mang thai, vì vậy mẹ sẽ thấy có những biểu hiện trên da như nổi rôm, khô, có vết rạn…Những thay đổi thường không gây hại đến sức khỏe, tuy nhiên nếu thấy những biểu hiện bất thường như màu sắc hay kích thước của nốt ruồi, mẹ hãy kiểm tra để được điều trị kịp thời.
70% phụ nữ mang thai khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ làm tăng dộ sậm màu của các vết nám có sẵn, xuất hiện các mảng màu nâu dưới cằm, cổ, mũi… Các mẹ không nên lo lắng vì tình trạng da thường được cải thiện sau khi sinh em bé. Tuy nhiên mẹ cần biết nguyên nhân cũng như một số biện pháp để chăm sóc cho làn da.
Thay đổi sắc tố da
Thay đổi sắc tố da do sự sản sinh melanin, hóc-môn của da giúp bảo vệ da khỏi tia cực tím. Biểu hiện là những mảng da tối xuất hiện ở trán, má và cổ của mẹ. Mẹ có làn da sậm màu hơn thì màu của những mảng da này sẽ nhạt hơn. Các mảng da này sẽ sẫm màu hơn nếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, vì vậy mẹ cần sử dụng kem chống nắng, đội mũ và dùng ô dù khi đi ra ngoài. Khi sử dụng, các mẹ bầu cũng nên chọn loại kem chống nắng vật lý thay vì các loại kem có chứa hóa chất.
Mụn nhọt, mụn trứng cá, đốm trên da
Tình trạng này rất phổ biến khi mang thai. Mẹ nên tránh nặn hoặc gãi mụn trứng cá và thường xuyên làm sạch mặt với chất tẩy rửa nhẹ nhàng, không xà phòng, dùng kem dưỡng ẩm không dầu. Không sử dụng thuốc trị mụn nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Uống nhiều nước và bổ sung các loại trái cây nhiều vitamin cũng là một giải pháp.
Rạn da
Rạn da là những đường mỏng có màu nâu, đỏ tùy theo da của mẹ. Các đường này thường xuất hiện ở vùng bụng, ngực, mông và đùi do tăng cân nhiều trong quá trình mang thai.
Rạn da không thể hết hoàn toàn, tuy nhiên mẹ có thể hạn chế bằng cách tránh tăng cân quá nhanh, xoa dầu hoặc kem giàu vitamin E ở những nơi bị rạn và tập thể dục nhẹ nhàng. Các loại đậu, hạt cũng giàu kẽm giúp giảm các vết rạn da.
Trầy da
Khi tăng cân, da của mẹ có thể bị trầy ở giữa hai đùi hoặc dưới ngực gây đỏ, ẩm da, viêm và phồng rộp. Mẹ hãy giữ cho phần da bị trầy luôn khô ráo, bận quần áo cotton thoáng mát và cần khám để điều trị, tránh nhiễm trùng nấm.
Phát ban và ngứa
Hóc-môn tăng cao khi mang thai làm cho da của mẹ bầu nhạy cảm hơn, dễ bị phát ban và ngứa. Mẹ nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, uống đủ nước, chú ý chế độ dinh dưỡng, tránh các thực phẩm và nước uống có chất phụ gia, chất hóa học. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, mẹ nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
Nguồn: Enfa A+