Các triệu chứng thường gặp ở 3 tháng đầu của thai kỳ

0
292
Các triệu chứng thường gặp ở 3 tháng đầu thai kỳ
Các triệu chứng thường gặp ở 3 tháng đầu thai kỳ

Khi mang thai, lượng hóc-môn trong người sẽ tăng lên gấp 10 lần. Vì thế mà cơ thể mẹ sẽ có những “chuyển biến” rõ rệt về mặt sức khỏe. Nào, hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục để mẹ bầu có được một thai kỳ thật khỏe mạnh nhé!

Thường xuyên mệt mỏi

Cơ thể mẹ sẽ sản sinh nhiều progesterone hơn khi mang thai. Đồng thời quá trình trao đổi chất cũng tăng cường hoạt động để nuôi dưỡng thai nhi đang lớn dần. Vậy nên mệt mỏi là điều rất khó tránh khỏi.

Để đảm bảo sức khỏe cho mình và thai nhi, mẹ bầu nên:

– Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể.

– Bổ sung đủ nước.

– Dùng thêm các món ăn nhẹ bổ dưỡng.

– Thưc hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng dưới sự hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ.

Các triệu chứng thường gặp ở 3 tháng đầu thai kỳ
             Các triệu chứng thường gặp ở 3 tháng đầu thai kỳ

Buồn nôn do ốm nghén

Buồn nôn do ốm nghén cũng là một triệu chứng thường gặp, có thể diễn ra ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày do nồng độ estrogen tăng cao trong giai đoạn mang thai.

Để hạn chế tình trạng trên, mẹ bầu hãy:

– Chọn các món ăn dặm như bánh quy, ngũ cốc, trái cây hay trà gừng để giữ cho dạ dày khỏi bị đói

– Hạn chế các loại thực phẩm dầu mỡ, hương vị mạnh hoặc có mùi nồng.

– Thường xuyên bổ sung nước cho cơ thể, đặc biệt đối với mẹ bị nôn mửa thường xuyên. Nếu xảy ra tình trạng nôn mửa nghiêm trọng, mẹ bầu hãy đến ngay bác sĩ để được tư vấn.

Đi tiểu thường xuyên

Khi mang thai, kích thước tử cung tăng gây áp lực lên bàng quang, nên mẹ bầu thường cảm thấy buồn tiểu nhiều hơn. Để giảm thiểu tình trạng này, buổi tối trước khi ngủ mẹ bầu có thể hạn chế hấp thụ chất lỏng.

Táo bón

Hormone thai kỳ có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và gây ra táo bón.

Mẹ có thể phòng tránh táo bón bằng cách:

– Uống nhiều nước và dùng các loại thực phẩm có nhiều chất xơ.

– Tập các bài thể dục nhẹ nhàng nhưng đừng quên kiểm tra với bác sĩ trước khi thực hiện nhé.

– Chỉ sử dụng thuốc nhuận tràng khi có sự cho phép của bác sĩ.

Đau ngực

Hormone thai kỳ có thể khiến cho ngực mẹ trở nên vô cùng nhạy cảm. Mẹ hãy dùng loại áo ngực thai sản để giảm thiểu tình trạng đau ngực. Có thể dùng cho cả ban đêm.

Nhức đầu, choáng váng

Trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, hóc-môn và sự tuần hoàn máu tăng cao có thể gây ra đau đầu và choáng váng. Về sau, khi cơ thể mẹ bầu đã thích nghi với nồng độ hóc-môn thì những cơn đau đầu cũng sẽ giảm dần.

Với chứng nhức đầu xoang, mẹ hãy dùng miếng gạc ấm để áp vào phía trước và hai bên khuôn mặt hoặc trán. Nếu đau đầu do căng thẳng, mẹ có thể dùng miếng gạc lạnh để áp ngay sau cổ. Ngoài ra, mẹ hãy cố gắng thư giãn và ăn nhẹ thường xuyên để giữ cho lượng đường trong máu được ổn định.

Nguồn: Enfa A+